(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Việt Nam đang thiếu cơ chế phát triển dự án tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO

Thứ tư - 24/07/2024 21:17 - Đã xem: 1788
ESCO Việt Nam quy mô nhỏ, ít kinh nghiệm

Phát biểu tại Hội thảo tham vấn Hợp tác xây dựng lộ trình thành lập Hiệp hội ESCO tại Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đình Hiệp – Chủ tịch Hội Khoa học Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (CECAE) cho biết: Theo số liệu điều tra, khảo sát của VECAE, Việt Nam hiện có trên 200 tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng (ESCO).

Cần cơ chế để phát triển dự án tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO
Việt Nam hiện có trên 200 tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng

Cụ thể, ông Nguyễn Đình Hiệp cho rằng, có 3 loại hình tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tiết kiệm năng lượng, bao gồm: Tổ chức công lập; doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài.

 

Theo đó, tổ chức công lập là các Trung tâm khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ, viện nghiên cứu và các trường đại học. Tham gia vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng khá đa dạng, bao gồm: Các dịch vụ kiểm toán năng lượng, đào tạo truyền thông, tư vấn tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp… phần lớn không tham gia về các dịch vụ tài chính, đầu tư thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Doanh nghiệp nhà nước là các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện các dự án mô hình kinh doanh dịch vụ năng lượng thí điểm như: Đầu tư hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời quy mô gia đình và công nghiệp, các dự án chiếu sáng tiết kiệm năng lượng… lợi nhuận chia sẻ theo thoả thuận hoặc cung cấp năng lượng dài hạn theo hình thức mua bán tiện ích.Doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng có phạm vi khá rộng, bao phủ hầu hết các lĩnh vực như: Tư vấn, đầu tư, thu xếp tài chính, chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro, nhiều doanh nghiệp đa tư vấn đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, cung cấp thiết bị lò hơi hiệu suất cao,… tập trung vào các lĩnh vực dễ đầu tư, thu vốn hanh và ít phức tạp về cả kỹ thuật lắp đặt, vận hành, đặc biệt là phương pháp tính toán tiết kiệm và thu hồi vốn.

“Trừ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực mua bán năng lượng như bán hơi, điện, nước nóng năng lượng mặt trời, nhìn chung các ESCO Việt Nam còn non trẻ, quy mô nhỏ, ít kinh nghiệm, khả năng tổ chức, quản lý, thực hiện các dịch vụ tiết kiệm năng lượng, liên kết với các nhà thầu, cing cấp thiết bị và thu xếp tài chính để thực hiện dự án hiệu quả năng lượng còn nhiều hạn chế” - ông Nguyễn Đình Hiệp khẳng định.

Cần cơ chế để phát triển dự án tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO
Cần hoàn thiện thể chế, hành lang pháp luật cho tổ chức, doanh nghiệp hoạt động theo mô hình ESCO

Lên phương án thành lập Hiệp hội ESCO

 

Nói về lý do các dự án tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO tại Việt Nam chưa phát triển, ông Nguyễn Đình Hiệp cho rằng: Hiện tại việt Nam thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính cho việc phát triển và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO. Chưa có quy định thanh toán, chi trả cho dịch vụ ESCO khi có sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước, chưa có quy định về kiểm tra, giám sát mức độ tiết kiệm năng lượng của bên thứ 3, giải quyết tranh chấp hợp đồng và các vấn đề nảy sinh giữa ESCO và doanh nghiệp.

Theo đó, để phát triển mô hình ESCO tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần hoàn thiện thể chế, hành lang pháp luật cho tổ chức, doanh nghiệp hoạt động theo mô hình ESCO, bao gồm: Chi tiết các quy định về điều kiện kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh. Cùng với đó, xây dựng cơ chế tài chính bền vững thông qua các chính sách cho vay lãi suất thấp, gây quỹ và quỹ bảo lãnh; thiết lập các kênh hợp tác với các tổ chức tài trợ và các quỹ. Xây dựng mô hình liên kết tài chính giữa doanh nghiệp, công ty ESCO và các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, Chính phủ nên khuyến khích áp dụng các mô hình kinh doanh đơn giản, phù hợp với điều kiện thị trường của nước mình để phát triển các dự án ESCO trong khu vực công.

Các chuyên gia cũng kiến nghị, cần trao quyền tự chủ về tài chính cho các tổ chức tư vấn, dịch vụ tiết kiệm năng lượng tại địa phương; xây dựng cơ chế phân bổ nguồn lực từ các quỹ đầu tư cho các tổ chức tư vấn, dịch vụ để đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng.

Xây dựng các chương trình công nhận hoặc chứng nhận chính thức cho ESCO giúp nâng cao uy tín ESCO với các cơ quan nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch dự án hiệu quả năng lượng, quá trình thực hiện phải minh bạch và không tạo ra rào cản nào đối với thị trường dịch vụ hiệu quả năng lượng.

Để tạo thuận lợi cho phát triển các dự án tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đang phối hợp với một số đơn vị liên quan, lên phương án thành lập Hiệp hội ESCO vào thời điểm thích hợp, nhằm thực hiện vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình ESCO.


Tác giả bài viết: Nguyễn Hòa
Nguồn tin: Vneconomy.vn
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không