(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Phát triển bền vững cho hiện tại và tương lai!

Thứ ba - 03/10/2017 23:05 - Đã xem: 3608
Trong hơn 170 năm phát triển, Tập đoàn Siemens từ nước Đức đã không ngừng nâng cao hiệu suất của năng lượng. Tiến sĩ Phạm Thái Lai, Chủ tịch và Tổng giám đốc Siemens Việt Nam trao đổi với Tạp chí Năng lượng Việt Nam về việc làm thế nào có thể trở thành một Tập đoàn công nghiệp đầu tiên trên thế giới đạt lượng dấu chân các bon trung tính vào năm 2030, đóng góp vào nguồn năng lượng hỗn hợp bền vững và việc cắt giảm khí nhà kính của Việt Nam.

Ngày nay phát triển bền vững được nhìn nhận là một trong số các chủ đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của các quốc gia và các doanh nghiệp trên toàn cầu. Ông có thể chia sẻ quan điểm của Siemens về xu thế này, cũng như chương trình hành động của Tập đoàn đến thời điểm hiện tại?

TS. PHẠM THÁI LAI: Theo quan điểm của Siemens, phát triển bền vững bao gồm ba phương diện: Hành tinh, Con người và Lợi nhuận. Phát triển bền vững phải gắn liền với bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, vì đây là hành tinh của chúng ta.

Về phương diện con người, phát triển bền vững phải đảm bảo các giá trị phúc lợi và chất lượng cuộc sống. Và cuối cùng, nó phải hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh trong kinh doanh - đó chính là lợi nhuận.

Trong gần 170 năm qua, Siemens đã duy trì cam kết rõ ràng trong suy nghĩ và hành động vì lợi ích của các thế hệ tương lai. Chúng tôi tin rằng việc "kinh doanh có trách nhiệm" là cách duy nhất để đạt được sự cân bằng giữa tăng trưởng lợi nhuận về lâu dài với hành tinh và con người.

Tại Siemens chúng tôi áp dụng các nguyên tắc bền vững trong toàn bộ chuỗi giá trị - từ các nhà cung cấp đến các hoạt động của Tập đoàn chúng tôi và cho đến khách hàng - bằng việc phát triển các sản phẩm, giải pháp bền vững. Trong năm tài chính vừa qua, danh mục đầu tư về môi trường của chúng tôi đã cho phép khách hàng và đối tác trên toàn cầu giảm thiểu đáng kể lượng khí CO2 phát thải là 521 triệu tấn.

Con số này tương đương với hơn 60% lượng phát thải CO2 mỗi năm của Đức. Nhờ đó, họ có thể cải thiện hiệu quả năng lượng đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn muốn tiến xa hơn và chúng tôi hoàn toàn có thể đạt được nhiều hơn thế. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định đẩy nhanh việc cắt giảm lượng phát thải các bon của chúng tôi với việc Siemens định hướng trở thành Tập đoàn công nghiệp đầu tiên trên thế giới đạt mức dấu chân các bon trung tính vào năm 2030. Mục tiêu của chúng tôi là cắt giảm lượng phát thải CO2 - hiện nay đang ở mức khoảng 2,2 triệu tấn một năm xuống còn một nửa trong thời gian sớm nhất là vào năm 2020.

Để có thể đạt được mục tiêu trên, chúng tôi dự định đầu tư 100 triệu Euro (117,35 triệu USD) trong vòng 3 năm tới để cải thiện sự cân bằng năng lượng trong các tòa nhà và cơ sở sản xuất của chúng tôi.

Hơn thế nữa, chúng tôi đã và đang hỗ trợ tích cực cho các sáng kiến toàn cầu nhằm củng cố các tiêu chuẩn bền vững trên toàn thế giới, đồng thời mở rộng hiểu kiến thức về công nghệ của chúng tôi. Chúng tôi hoàn toàn tuân thủ các mục tiêu và nguyên tắc của Hiệp ước Toàn cầu Liên hiệp quốc.

Tiến sĩ Phạm Thái Lai, Chủ tịch, Tổng giám đốc Siemens Việt Nam.

Việc gia tăng tiêu thụ năng lượng được xem là một trong các nguyên nhân chính của việc tăng phát thải khí nhà kính (Greenhouse gas - GHG). Theo quan điểm của ông thì liệu chúng ta có thể vừa đáp ứng sự gia tăng về nhu cầu năng lượng trên toàn cầu, đồng thời cắt giảm lượng phát thải CO2 hay không?

TS. PHẠM THÁI LAI: Việc này không hề dễ dàng. Tuy nhiên, chúng ta có thể đạt được điều trên bằng cách sử dụng các công nghệ xanh và hiệu quả trên cả hai mặt: cung cấp năng lượng và tiêu thụ năng lượng. Hiện nay việc sản xuất điện sạch hơn trở nên khả thi thông qua các công nghệ năng lượng tái tạo như phong điện, hoặc các tua bin khí hiệu suất cao.

Mặt khác, kiểm soát khâu tiêu thụ năng lượng cũng rất quan trọng thông qua việc tích hợp các sản phẩm và giải pháp tiết kiệm điện. Ví dụ như cho các tòa nhà, cơ sở sản xuất công nghiệp, hoặc cho vận chuyển công cộng. Cách tiếp cận toàn diện trên sẽ giảm thiểu đáng kể lượng phát thải CO2 và giúp giảm chi phí về lâu dài.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về chủ đề sử dụng năng lượng hiệu quả không? Với vai trò là Tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ xanh - Siemens đang cung cấp những gì?

TS. PHẠM THÁI LAI: Siemens đã phát triển Chương trình Năng lượng Hiệu quả (Energy Efficiency Program - EEP) toàn diện từ năm 2011. Chương trình này giúp hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại nhằm mang lại hiệu suất sử dụng năng lượng tốt hơn, giảm phát thải CO2 và giảm chi phí vận hành - cộng với thời gian hoàn vốn ngắn.

Danh sách các sản phẩm phù hợp trong danh mục đầu tư của Siemens là rất dài và bao gồm quản lý điện năng, hệ thống giám sát, công nghệ tự động hóa cho tòa nhà và quy trình trình sản xuất, giao thông, hệ thống truyền động tiết kiệm năng lượng.

Hệ thống giám sát đóng vai trò quan trọng - vì nó sẽ chỉ ra các khu vực đang sử dụng lãng phí năng lượng. Các nhân tố quan trọng bao gồm việc sử dụng các thành phần và hệ thống một cách hiệu quả để tái sử dụng năng lượng chưa dùng tới (ví dụ như nhiệt thải). Với việc nâng cao hiệu suất theo cách trên, các công ty sẽ không chỉ góp phần vào việc giảm khí nhà kính và bảo vệ môi trường, mà còn đồng thời đảm bảo sự tồn tại của công ty - đặc biệt trong các thời điểm chi phí cho năng lượng tăng cao.

Các tòa nhà có tiềm năng lớn cho việc tiết kiệm năng lượng - trên thực tế, chúng chiếm đến 40% năng lượng tiêu thụ trên toàn thế giới và 21% về phát thải khí nhà kính.

Công nghệ tòa nhà thông minh có thể gia tăng đáng kể hiệu quả sử dụng năng lượng và sự tiện nghi của các tòa nhà cũng như tăng năng suất hoạt động của cư dân và các công ty trong tòa nhà - vì thế cắt giảm nhu cầu sưởi ấm.

Một hệ thống giao thông thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng là khả thi khi - nó bao gồm các hệ thống vận chuyển công cộng, xe điện và xe buýt lai điện. Cụ thể, các giải pháp giao thông tiên tiến và sáng tạo của Siemens đã đem đến sự thay đổi về căn bản trong sự phát triển của vận tải công cộng đô thị tại Malaysia, nhờ vào thế mạnh chính của Tập đoàn trong việc tăng cường sự tiện nghi và hiệu quả năng lượng, cũng như lợi ích của việc giảm ô nhiễm môi trường.

Trong lĩnh vực công nghiệp, có rất nhiều điều chúng ta có thể làm để gia tăng sự tiết kiệm trong sử dụng năng lượng và sản xuất. Các động cơ điện (ví dụ như các động cơ sử dụng cho băng chuyền, hoặc máy bơm, đang chiếm gần 2/3 lượng năng lượng sử dụng trong công nghiệp). Với giải pháp truyền động tối ưu từ Siemens, lượng tiêu thụ điện của truyền động công nghiệp có thể được giảm tới 70% - và bản thân khoản đầu tư này sẽ được thanh khoản thông qua việc tiết kiệm năng lượng trong vòng 2 năm.

Bản Đóng góp dự kiến do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam (INDC) cam kết sẽ giảm phát thải khí nhà kính (GHG) từ 8% đến 10% vào năm 2020 trong bối cảnh kinh doanh bình thường (business as usual - BAU). Siemens có thể giúp Việt Nam thực hiện cam kết trên như thế nào?

TS. PHẠM THÁI LAI: Chúng tôi là nhà thầu chìa khóa trao tay và là nhà cung cấp chính cho các dự án điện chủ chốt tại Việt Nam - như Nhà máy điện Phú Mỹ 2-1 (mở rộng), Phú Mỹ 3, Cà Mau 1 và 2 và Nhơn Trạch 2. Công nghệ của Siemens trong nhà máy điện chu trình kết hợp đã giúp Việt Nam giảm gần 5 triệu tấn CO2 phát thải mỗi năm so với mức trung bình toàn cầu.

Nhà máy Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2.

"Truyền tải năng lượng hiệu quả" là một trong các khía cạnh quan trọng khác trong việc cung cấp điện năng. Các trang thiết bị hiện đại của chúng tôi đã được lắp đặt tại nhiều trạm điện lớn trong lưới điện quốc gia như trạm Sơn La 500kV và Quảng Ninh 500kV, giúp truyền tải điện qua khoảng cách dài với mức thất thoát ít hơn.

Thêm vào đó, các sản phẩm tự động hóa và truyền động tiết kiệm năng lượng của chúng tôi cũng đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng của nhiều nước như: thực phẩm và đồ uống, xi măng và luyện kim. Hệ thống quản lý tòa nhà Apogee và Hệ thống báo cháy Algorex của Siemens đã được lắp đặt trong nhiều công trình quan trọng như tòa nhà Bitexco ở thành phố Hồ Chí Minh và Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình tại Hà Nội, giúp khách hàng giảm chi phí sử dụng năng lượng với mức trung bình từ 20% đến 30%, từ đó góp phần vào việc giảm phát thải đáng kể khí CO2.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ về việc Siemens đã giúp Việt Nam như thế nào trong việc bảo vệ khí hậu. Tuy nhiên chắc chắn là chúng tôi có thể làm nhiều hơn thế nữa. Ví dụ như công nghệ truyền động hybrid ELFA của Siemens có thể giúp xe buýt giảm tiêu thụ nhiên liệu lên tới 35%.

Và theo như tính toán của chúng tôi, việc sử dụng một tuyến tàu điện tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp giảm hơn 400,000 tấn CO2 mỗi năm. Chúng tôi cũng đang tập trung vào việc đưa công nghệ phát điện gió của Siemens vào Việt Nam.

Ngập lụt thường xuyên, hạn hán nghiêm trọng, cũng như xâm nhập mặn đang là các vấn đề nhức nhối tại Việt Nam và được cho là hậu quả của biến đổi khí hậu. Theo ông thì Siemens có thể làm được gì để giúp Việt Nam giải quyết các thách thức trên?

TS. PHẠM THÁI LAI: Việt Nam là một trong số các quốc gia chịu tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu. Ngày càng có nhiều tin tức đề cập đến các trận lụt, hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng trong lịch sử.

Siemens sở hữu một dải sản phẩm và giải pháp phong phú về cơ sở hạ tầng nhằm giúp các thành phố trở nên linh hoạt và bền vững hơn. Những giải pháp như lưới điện thông minh, giải pháp phần mềm cho tự động hóa đường sắt, quản lý giao thông, quản lý sơ tán, và hệ thống quản lý tòa nhà đóng góp vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực từ môi trường.

Tự động hóa thông minh cho cơ sở hạ tầng là một nhân tố thành công chính trong việc biến các hệ thống trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn trong việc quản lý và điều phối. Công nghệ tự động hóa của Siemens đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới (bao gồm cả dự án Marina Barrage của Singapore), có thể hỗ trợ với việc quản lý ngập lụt và tạo ra dự trữ nước ngọt cho các đô thị như thành phố Hồ Chí Minh.

Và cho dù đó là việc khử mặn nước biển, xử lý nước ngọt và nước thải, hay quản lý hệ thống vận chuyển và phân phối nước, các giải pháp công nghệ của chúng tôi sẽ cung cấp sự trợ giúp xuyên suốt từ khâu lập quy hoạch cho tới giám sát, cũng như tối ưu hóa hệ thống.

Ông có nhận xét gì về vai trò của Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu và trong bảo vệ môi trường?

Theo quan điểm của tôi, mấu chốt của phát triển bền vững chính là việc tư duy và hành động phải song song cùng nhau với vai trò là các đối tác. Hơn bao giờ hết, chúng ta (các doanh nghiệp và chính phủ) phải đồng tâm hiệp lực để hành động một cách bền vững trong tương quan giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và xã hội.

Tôi tin rằng, khu vực tư nhân cũng có những trách nhiệm ngang như chính phủ, thậm chí là nhiều hơn, trong việc tham gia tích cực vào các nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đồng thời chủ động dẫn dắt sự chuyển dịch sang nền kinh tế ít phát thải và có khả năng chống chịu các tác động tiêu cực của khí hậu, cũng như trong việc bảo vệ sinh thái.

Tôi nghĩ rằng, sự tham gia của khu vực tư nhân có thể được tăng cường hơn nếu Chính phủ Việt Nam có thể thúc đẩy sự gia tăng trong dòng vốn đầu tư cho năng lượng sạch, khuyến khích các hoạt động kinh doanh có lượng dấu chân các bon thấp, cũng như phát triển môi trường pháp lý khuyến khích sự tham gia của năng lượng tái tạo và việc sử dụng năng lượng hiệu quả.

Và theo tôi đã đến lúc chúng ta phải hành động vì sự phát triển bền vững của hiện tại và các thế hệ tương lai.

Xin cảm ơn ông!

 

Nguồn tin: nangluongvietnam.vn
 
40 năm 
Giải phóng Quảng Trị
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án lắp đặt hệ thống đèn LED cho các tàu đánh bắt xa bờ 
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không