(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Giảm cường độ năng lượng của nhiều ngành công nghiệp

Thứ tư - 21/08/2019 10:18 - Đã xem: 2683
Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là mục tiêu quan trọng trong chính sách năng lượng quốc gia được Chính phủ giao Bộ Công Thương làm đầu mối triển khai. Thực hiện chỉ đạo này, ngành Công Thương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng và bước đầu thu được những kết quả tích cực.

Nỗ lực tiết kiệm năng lượng

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Bộ Công Thương đảm nhận trọng trách điều hành, cung ứng đủ năng lượng cho quốc gia, đáp ứng nhu cầu cho phát triển đất nước. Song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK&HQ) là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, đạt hiệu quả cao về mặt kinh tế; đồng thời, giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

giam cuong do nang luong cua nhieu nganh cong nghiep
Hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

Báo cáo của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho thấy, giai đoạn 2011-2015 đã đạt được mục tiêu tiết kiệm từ 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước, tương đương với việc tiết kiệm từ 11-17 triệu TOE (đơn vị tiêu thụ năng lượng). Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng giảm dần trong giai đoạn 2011-2015, đáng kể như ngành thép (giảm 8,09%); ngành xi măng (giảm 6,33%); ngành dệt sợi (giảm 7,32%).

Bộ Công Thương tập trung hướng dẫn các Sở Công Thương xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thực hiện chương trình Quốc gia về Sử dụng NLTK&HQ giai đoạn 2020-2025 nhằm thực hiện các hoạt động thúc đẩy sử dụng NLTK7HQ.

Chia sẻ thực tế tiết kiệm năng lượng từ khối các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - cho biết, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. “Theo đánh giá, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%”, ông Trịnh Quốc Vũ thông tin.

Giải pháp chiến lược

Tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng NLTK&HQ giai đoạn 2019 - 2030. Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2025 và từ 8 - 10% trong giai đoạn 2019 - 2030.

Theo đó, hình thành thói quen sử dụng NLTK&HQ trong mọi hoạt động của xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế. Tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành 6 Thông tư về tiêu hao năng lượng định mức/ sản phẩm ở các ngành hóa chất, thép, bia, nước giải khát, nhựa và chế biến thủy sản. Và, để giúp doanh nghiệp quen với tiết kiệm năng lượng, Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng hiệu quả đã có những hỗ trợ kỹ thuật về kiểm toán năng lượng, đào tạo hướng dẫn cán bộ của doanh nghiệp và triển khai các dự án trình diễn, quảng bá công nghiệp tiết kiệm năng lượng điển hình.

giam cuong do nang luong cua nhieu nganh cong nghiep
Cường độ năng lượng của ngành thép giảm dần

Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, xác định khu vực sản xuất công nghiệp tiếp tục là đối tượng cần nỗ lực triển khai nhiều hoạt động tiết kiệm năng lượng hơn nữa nhằm đạt được kỳ vọng giảm hệ số đàn hồi năng lượng, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường thực thi Luật Sử dụng NLTK&HQ trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội thông qua việc triển khai đồng bộ và triệt để các giải pháp quản lý, kỹ thuật, tập trung vào những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm môi trường; giao thông vận tải và xây dựng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng bắt buộc, loại bỏ các trang thiết bị lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng. Cụ thể đến năm 2025, giảm mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 - 2018: Ngành thép từ 3 - 10%, hóa chất (trên 7%), nhựa (từ 18 - 22,46%), xi măng (trên 7,5%), dệt may (trên 5%), rượu, bia, nước giải khát (từ 3-6,88%), giấy (8 -15,8%)...; phấn đấu 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng; 90% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và phê duyệt chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển hệ thống mạng lưới các đơn vị tiết kiệm năng lượng tại ít nhất 50 tỉnh, thành phố; xây dựng 1 trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam.

Ông Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam:
Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ sạch

Bản chất cuối cùng của tiết kiệm năng lượng là đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất. Đổi mới, nâng cấp, cải tiến sắp xếp lại dây chuyền sản xuất là ba yếu tố quan trọng. Nếu thực hiện tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường, xây dựng doanh nghiệp xanh, xây dựng hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp bền vững.

giam cuong do nang luong cua nhieu nganh cong nghiep
Vận hành các nhà máy điện an toàn, hiệu quả

Do đó, để các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong khu, cụm công nghiệp tại Việt Nam, cần đưa ra các hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng: Thay đổi dây chuyền, công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ tiên tiến hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng; xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng, hiệu suất thấp, đồng thời, đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững đáng tin cậy. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; chú trọng phát triển công nghệ môi trường, công nghệ sạch, công nghệ năng lượng mới...

PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:
Tuân thủ nguyên tắc thị trường

So với mức trung bình của thế giới, tiêu thụ năng lượng Việt Nam chỉ bằng khoảng 30-35%, tiêu thụ điện chỉ bằng khoảng 60%, nhưng so với khu vực, Việt Nam còn thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, về mặt chiến lược, vấn đề sử dụng bền vững và hiệu quả năng lượng mới là điều cần được quan tâm đặc biệt. Trong khi đó, hiện nay, cường độ điện khoảng 1,15 -1,2 kWh/USD, được dự báo tăng lên vào năm 2020 -2025. Đồng thời, tỷ lệ tốc độ tăng trưởng điện so với tăng GDP Việt Nam hiện tại trên 1,5 và có xu thế tăng.

Để đáp ứng nhu cầu mới như hiện nay, Việt Nam cần tiến kịp mức tiêu dùng năng lượng thế giới phát triển. Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển công nghệ sản xuất năng lượng hiệu quả (công nghệ cao) và bền vững (công nghệ sạch), công nghệ sử dụng tiết kiệm năng lượng, dịch chuyển cơ cấu năng lượng (năng lượng tái tạo – sạch) và rủi ro hệ thống mới. Ngoài ra, trong Cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu sử dụng năng lượng, cần điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng (điện) cả phía cung lẫn phía cầu, trên căn bản giá cả - thị trường điều tiết. Bên cạnh đó, cũng cần dựa nhiều vào khu vực tư nhân và tuân thủ nguyên tắc thị trường nhằm cạnh tranh và công khai – minh bạch.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN):
Vận hành hiệu quả các nhà máy điện

Với tốc độ tăng trưởng phụ tải khoảng 10%/năm như hiện nay, mỗi năm cần sản suất bổ sung khoảng 20 ÷ 25 tỷ kWh, tương đương với khoảng 3.000 ÷ 4.000 MW công suất từ các dự án nguồn điện đưa vào vận hành thương mại. Trong khi đó, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, gây khó khăn cho tình hình cung cấp điện. Trước tình hình này, EVN đã có những giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện. Cụ thể, EVN đã ban hành quy trình kiểm toán năng lượng cho các loại hình nhà máy điện để thống nhất tiến hành đo đạc, lập hồ sơ, đánh giá và triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy điện. Phối hợp với các hiệp hội, đơn vị tư vấn trong và ngoài nước có chuyên môn sâu để hợp tác đào tạo chuyên gia, ứng dụng công nghệ cao cho công tác vận hành, sửa chữa nhà máy điện và hệ thống điện.

Bên cạnh đó, EVN cũng từng bước áp dụng biện pháp sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị theo trọng tâm độ tin cậy (RCM), để nâng cao ổn định, an toàn trong vận hành nhà máy điện và lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích, thúc đẩy đầu tư xây dựng điện mặt trời áp mái, năng lượng tái tạo tại chỗ nhằm bổ sung nguồn năng lượng cho hệ thống điện quốc gia.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương):
Tập trung cho công tác tuyên truyền

Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK&HQ) giai đoạn 2019 - 2030” do Bộ Công Thương xây dựng. Với mục tiêu thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trên tất cả các mặt của nền kinh tế và toàn xã hội, theo tôi, trong quá trình thực hiện, phải tập trung hơn cho công tác tuyên truyền về NLTK&HQ.

Bởi, theo thống kê, các doanh nghiệp trọng điểm chiếm 40% mức tiêu hao năng lượng của cả nước, nếu tập trung tuyên truyền cho các doanh nghiệp này về sử dụng năng lượng, sẽ tiết kiệm được lượng điện năng đáng kể.
Trên cơ sở đó, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững sẽ hướng dẫn các Sở Công Thương địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch hành động NLTK&HQ để đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ. Bên cạnh đó, Vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành ban hành các hướng dẫn chi tiết, tập huấn xây dựng kế hoạch hành động cho các địa phương bắt đầu từ đầu năm 2020 và kế hoạch trung hạn 2021 - 2025. Tiếp tục phối hợp với EVN tổ chức cho một số doanh nghiệp ký cam kết tiết kiệm 10% tiêu thụ điện trong năm 2019.

Chương trình đã được triển khai đồng bộ và thực hiện nhiều nội dung khác nhau, từ việc nâng cao nhận thức, đưa nội dung tiết kiệm năng lượng vào chương trình giáo dục và đào tạo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông từ Trung ương đến các địa phương trên cả nước về lợi ích và các giải pháp tiết kiệm năng lượng đến việc hỗ trợ triển khai thực hiện các mô hình sử dụng năng lượng, sử dụng trang thiết bị hiệu suất cao.

Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC):
Khuyến khích sử dụng điện mặt trời áp mái

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc khuyến khích, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, EVNSPC đang tập trung tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời (ĐMT) áp mái tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam, từ Ninh Thuận đến Cà Mau. Hướng phát triển này mang lại những lợi ích trực tiếp về kinh tế và môi trường.

Tính đến tháng 7/2019, EVNSPC có 4.817 khách hàng đã lắp đặt công tơ 2 chiều bán điện qua hình thức dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà. Ngoài ra, EVNSPC cũng triển khai lắp đặt tại tất cả mái nhà văn phòng các công ty điện lực, trạm biến áp phân phối do EVNSPC quản lý.

Để đạt mục tiêu về phát triển hệ thống ĐMT áp mái tại các tỉnh, thành phố phía Nam, năm 2019, EVNSPC đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: Phổ biến, quảng bá trên các phương tiện truyền thông, khuyến khích sử dụng ĐMT mái nhà; sẵn sàng tư vấn, quy trình đăng ký, tiếp nhận hồ sơ lắp đặt, nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán ĐMT mái nhà; lắp đặt miễn phí công tơ 2 chiều đo đếm điện năng; ký hợp đồng mua bán ĐMT mái nhà dư từ doanh nghiệp và người dân. Đối với người dân từ Ninh Thuận đến Cà Mau, lắp đặt ĐMT trên mái nhà sẽ được tổng công ty gắn miễn phí công tơ đo đếm hai chiều và ký hợp đồng mua bán điện.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng Ban Kinh doanh, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI):
Tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh

6 tháng đầu năm 2019, Hà Nội đã có 165/225 khách hàng trọng điểm (tiêu thụ điện trên 1 triệu kWh/năm) đồng ý và ký thỏa thuận tham gia Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện (DR). Đây là một trong những hoạt động thuộc Chương trình Quốc gia về quản lý nhu cầu điện (DSM) giai đoạn 2018 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/3/2018.

EVN HANOI đang từng bước mở rộng đối tượng khách hàng tham gia Chương trình Quốc gia về DSM đến tất cả các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt; kết hợp việc hỗ trợ, khuyến khích khách hàng tham gia sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời lắp mái. Đối với Chương trình DR, khách hàng sẽ chủ động điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện như tiết giảm các phụ tải không cần thiết, không ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất trong khoảng thời gian cụ thể theo đề nghị của đơn vị thực hiện, căn cứ trên các hợp đồng đã thỏa thuận giữa hai bên.

Việc điều chỉnh phụ tải điện chính là một hoạt động, giải pháp của toàn ngành điện lực nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đảm bảo cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.



Nguồn tin: congthuong.vn
 
40 năm 
Giải phóng Quảng Trị
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án lắp đặt hệ thống đèn LED cho các tàu đánh bắt xa bờ 
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không