(+84)28 38 222 091 (+84)909.901.045 info@congnghevinhcuu.com

Đà Nẵng vào vòng chung kết “Thành phố Xanh Toàn cầu năm 2018”

Thứ ba - 17/07/2018 15:15 - Đã xem: 3004
Bằng việc triển khai lắp đặt các hệ thống pin năng lượng mặt trời, sử dụng xăng sinh học hay phát triển giao thông xanh như: Dự án xe buýt nhanh, đi xe chung và phát triển hệ thống xử lý nước thải trên toàn thành phố…, Đà Nẵng vừa được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) công nhận là thành phố Xanh Quốc gia của Việt Nam năm 2018.

Đây là danh hiệu xứng đáng cho những chính sách và sáng kiến mà chính quyền cũng như người dân Đà Nẵng đang thực hiện để trở thành một đô thị phát triển xanh và bền vững dẫn đầu cả nước.

Danh hiệu này cũng đưa Đà Nẵng cùng 21 “Thành phố Xanh Quốc gia 2018” khác tiếp tục tham gia vòng bình chọn cuối cùng của cuộc thi “Thành phố Xanh quốc tế” để tìm ra địa danh xuất sắc nhất với danh hiệu “Thành phố Xanh toàn cầu”.

Theo WWF, hồ sơ tham gia thi của Đà Nẵng nêu rõ cam kết giảm 25% lượng phát thải carbon vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2016. Thành phố cũng đã gây ấn tượng với Ban Giám khảo bởi các giải pháp tiếp cận toàn diện và tham vọng về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu nhằm góp phần thực hiện mục tiêu mà “Thoả thuận Khí hậu Paris 2015” đặt ra.

Ngay từ năm 2008, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường”, trong đó các mục tiêu, tiêu chí đã tính tới mục tiêu “Thành phố Xanh” mà quốc tế đang hướng đến.

Một góc thành phố Đà Nẵng nhìn từ đường lên chùa Linh Ứng, bán đảo Sơn Trà. (Ảnh: Anh Tuấn).

“Dù chặng đường còn dài và nhiều thách thức, nhưng Đà Nẵng đã cam kết hành động quyết liệt vì một cuộc sống xanh, bền vững và thịnh vượng cho người dân; qua đó góp phần vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu mà cả thế giới đang thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ vui mừng khi nỗ lực của chính quyền và người dân đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Chương trình “Thành phố Xanh quốc tế” là sáng kiến của WWF kêu gọi các thành phố toàn cầu hành động và hướng tới một hành tinh tương lai thân thiện với môi trường, đồng thời xây dựng và thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các ứng viên dự thi phải có bản Báo cáo khí hậu và carbon cùng với các cam kết và hành động phát triển bền vững về các lĩnh vực môi trường, giao thông, xây dựng/nhà ở, năng lượng, lương thực và nguồn nước…

Cuộc thi năm nay có 132 thành phố đến từ 23 quốc gia tham dự, riêng Việt Nam có Đà Nẵng, Đông Hà và Hội An tham gia; cả 3 đều đã vượt qua vòng loại cùng 37 tên tuổi khác.

Theo ông Marco Lambertini – Tổng Giám đốc WWF Quốc tế, các “Thành phố Xanh” có thể là hình mẫu và nguồn cảm hứng cho một thế giới bền vững. Những chính sách khí hậu tiến bộ của chính quyền địa phương sẽ giúp giảm tác động của giao thông, nhà ở và các lĩnh vực phát thải nhiều carbon khác lên tới môi trường, qua đó, tạo nên những TP xanh hơn, khoẻ mạnh hơn và đáng sống hơn cho con người.

Thống kê của WWF cho biết, hiện trên 50% dân số thế giới sống tại các khu vực thành thị và xu hướng này vẫn đang gia tăng nhanh chóng. Dự đoán tới năm 2050, con số này sẽ đạt 6 tỷ so với mức 3,5 tỷ hiện nay. Khu vực đô thị cũng tạo ra 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.

Ra đời năm 2011, đến nay, chương trình “Thành phố Xanh quốc tế” đã thu hút được sự tham gia của hơn 400 thành phố đến từ 5 châu lục.

 

Nguồn tin: thiennhien.netn.net
 
 

KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG LÀ GÌ?


TƯ VẤN
KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG
(0909.901.045)
 

Thăm dò ý kiến

Khi chi phí sử dụng điện cao, bạn có sẳn sàng thay thế các thiết bị điện hiện tại bằng các thiết bị điện tiết kiệm không?

Không