Trong điều kiện nền kinh tế phát triển và hội nhập, ngành kiểm toán đã phát triển không ngừng và trở thành một trong những ngành nghề quan trọng bậc nhất trong xã hội, ngày càng được nhiều người quan tâm. Những năm gần đây, thông tin về các hoạt động kiểm toán đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, và thuật ngữ kiểm toán không còn xa lạ với số đông người trong xã hội. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, khái niệm về kiểm toán ngày càng được hiểu và vận dụng rộng rãi hơn trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội. Các thuật ngữ về kiểm toán đã được nhiều nhà chuyên môn trong tất cả các ngành sử dụng, theo đó, công việc kiểm toán cũng có thể được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến một loại hình kiểm toán mới đang đựợc xã hội quan tâm - Đó là kiểm toán năng lượng.
Kiểm toán năng lượng là gì?
Có nhiều khái niệm khác nhau về kiểm toán năng lượng, trên giác độ chung nhất có thể hiểu:
Kiểm toán năng lượng là hoạt động kiểm tra, khảo sát hệ thống năng lượng của một đơn vị, nhằm mục đích đánh giá tính hợp lý, hiệu quả trong việc thiết kế và vận hành của hệ thống so với các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật về xây dựng và sử dụng các nguồn năng lượng đối với hệ thống này.
Tại sao cần kiểm toán năng lượng?
Có rất nhiều lý do cần phải kiểm toán năng lượng, nhưng có thể đưa ra 4 lý do cơ bản sau đây:
+ Thể hiện đơn vị đã chú trọng đến chính sách năng lượng quốc gia “sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”:
Qua kiểm toán năng lượng, doanh nghiệp sẽ thấy rõ mức độ tiêu thụ năng lượng của các loại máy móc, thiết bị; Xác định được những bộ phận sử dụng năng lượng lãng phí, nhận diện các cơ hội tiết kiệm và đề xuất giải pháp tiết kiệm năng lượng cho đơn vị. Đối với những cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (doanh nghiệp có sử dụng 3 triệu Kw/h điện/năm hoặc tương đương trở lên), việc kiểm toán năng lượng còn thể hiện đơn vị đã tuân thủ đúng Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 ngày 28/06/2010 - Điều 34. Kiểm toán năng lượng đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
+ Giúp tăng cường nhận thức về sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả năng lượng của lãnh đạo và nhân viên trong đơn vị,từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động toàn đơn vị:
Kết quả kiểm toán năng lượng sẽ đưa ra những con số về sự lãng phí năng lượng cũng như khả năng tiết kiệm năng lượng trong đơn vị (có thể sẽ là những con số khổng lồ, ví dụ như năm 2008, Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với ECC thực hiện kiểm toán năng lượng cho 98 doanh nghiệp sản xuất trọng điểm, trong đó có 28 doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, khu chiết xuất cho thấy: Tiềm năng tiết kiệm điện của 98 doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán là 78,29 triệu KWh/năm, tương ứng số tiền tiết kiệm hàng năm khoảng 78 tỷ đồng – (Nguồn báo điện tử, thứ 7 ngày 11 tháng 9 năm 2010). Qua kiểm toán năng lượng giúp đơn vị nhận thức rõ các cơ hội tiết kiệm năng lượng, thiết lập cách quản lý thích hợp để sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nâng cao vị thế cạnh tranh. Hơn nữa, các đơn vị tiến hành kiểm toán năng lượng và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ (như chính sách giá, ưu tiên đầu tư ... theo Điều 4- Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả) càng giúp cho đơn vị nhận thức rõ hơn tác dụng của kiểm toán năng lượng và sử dụng tiết kiệm năng lượng trong đơn vị. Qua đó, việc sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả năng lượng sẽ ngày càng được các đơn vị quan tâm và ý thức sử dụng tiết kiệm năng lượng sẽ dần trở thành nếp văn hoá trong đơn vị. Đây cũng là giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn đơn vị.
+ Góp phần bảo vệ môi trường theo hướng “sản xuất sạch hơn”:
Kiểm toán năng lượng thường xuyên sẽ giúp đơn vị kịp thời phát hiện những lỗi rò rỉ kỹ thuật gây tổn thất năng lượng, nguy cơ lãng phí nhiên liệu, năng lượng trong đơn vị và ảnh hưởng của nó đến môi trường thông qua các biện pháp giảm thiểu nhiên liệu đầu vào ( xăng, dầu...); Hoặc có biện pháp chống rò rỉ khí đốt, rò rỉ điện... , từ đó sẽ giảm bớt khí thải độc hại vào môi trường .
Có thể thấy rõ tác dụng này qua một vài ví dụ sau: Theo tính toán của Trung tâm sản xuất sạch hơn, Chi Cục quản lý môi trường thành phố Hồ Chí Minh, khi doanh nghiệp để rò rỉ một giọt dầu trong 1 giây có thể sẽ gây tổn thất khoảng 2.000 lít/năm; một lỗ rò 1mm trên đường ống dẫn khí nén ở áp suất 6 bar có thể gây lãng phí điện năng khoảng 3.000 Kwh/năm. Hoặc theo kết quả kiểm toán năng lượng của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội tại Tổng công ty thép Việt Nam tháng 11 năm 2009 cho thấy khi áp dụng các giải pháp tại Tổng công ty thép Việt Nam thu được lượng tiết kiệm được gần 81 triệu đồng/năm tương đương giảm thải 40 tấn C02/năm ra ngoài môi trường...
+ Góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia:
Vấn đề an ninh năng lượng là một trong những vấn đề sống còn nhằm đảm bảo cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững của từng quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Nhu cầu năng lượng của tất cả các quốc gia ngày càng tăng nhanh, nhưng nguồn dự trữ năng lượng hóa thạch toàn cầu là có hạn, vấn đề ấm lên toàn cầu và sự biến đổi khí hậu ... khiến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng trở nên quan trọng. Các quốc gia nói chung và từng đơn vị, tổ chức và cá nhân nói riêng, cần phải quan tâm hơn nữa đến việc đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ có phát thải thấp hơn và sạch hơn, và phải có hành động cụ thể hướng tới việc sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn năng lượng. Tiến hành kiểm toán năng lượng và thực hiện các khuyến cáo mà kiểm toán viên chỉ ra cho đơn vị là giải pháp rất quan trọng góp phần giảm thiểu nhiên liệu tiêu hao và khí thải, qua đó góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an ninh năng lượng.
Ai kiểm toán năng lượng?
Kiểm toán năng lượng là loại kiểm toán hoạt động, nhằm đánh giá tính hợp lý, hiệu quả trong việc thiết kế và vận hành của hệ thống so với các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật về xây dựng và sử dụng các nguồn năng lượng đối với hệ thống này. Khi kiểm toán năng lượng, kiểm toán viên cần đo lường, phân tích, tính toán, đánh giá để xác định tất cả các dòng năng lượng trong một đơn vị và xác định số lượng năng lượng được sử dụng theo những chức năng riêng rẽ (từng máy móc thiết bị như động cơ, máy bơm, hệ thống thông gió, điều hoà không khí, hệ thống hơi, nhiệt, từng toà nhà, từng dây truyền công nghệ...) cũng như của toàn hệ thống, qua đó đưa ra những đánh giá về việc đầu tư trang bị máy móc thiết bị cho hệ thống cũng như sử dụng năng lượng trong hệ thống năng lượng của đơn vị. Như vậy, người (tổ chức) kiểm toán năng lượng phải có kiến thức tương xứng về thiết kế và vận hành một hệ thống năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - phải có chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng. Theo Điều 34- Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 ngày 28/06/2010, tổ chức kiểm toán năng lượng phải có đủ các điều kiện sau đây:
+ Là pháp nhân thành lập theo quy định của pháp luật;
+ Có đội ngũ kiểm toán viên năng lượng được cấp chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng;
+ Có phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc kiểm toán năng lượng.
Đồng thời Luật cũng quy định:
+ Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải thực hiện chế độ kiểm toán năng lượng bằng hình thức tự kiểm toán hoặc thuê tổ chức kiểm toán năng lượng thực hiện.
+ Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tự thực hiện chế độ kiểm toán năng lượng khi có đủ các điều kiện quy định: Có đội ngũ kiểm toán viên năng lượng được cấp chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng; Có phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc kiểm toán năng lượng.
Hiện nay ở Việt Nam đang thực hiện kiểm toán năng lượng thí điểm. Theo đó, việc kiểm toán năng lượng đang được thực hiện bởi những đơn vị có chức năng quản lý năng lượng, có đội ngũ nhân lực và phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc kiểm toán năng lượng, như Trung tâm tiết kiệm năng lượng Hà Nội kết hợp với phòng quản lý điện năng các Sở Công thương; Các công ty điện lực; Các tổ chức dịch vụ về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng của các tỉnh...
Trong những năm tới, để đảm bảo yêu cầu quản lý của Nhà nước và cả doanh nghiệp, nên đưa kiểm toán năng lượng trở thành yếu tố bắt buộc. Các cơ quan chức năng cần thành lập tổ kiểm tra để tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp có mức tiêu thụ điện cao để từ đó dùng biện pháp quản lý việc tiêu thụ điện tại doanh nghiệp và bắt buộc doanh nghiệp phải tiến hành kiểm toán năng lượng để có báo cáo lên các cơ quan quản lý. Đối với những công trình, dự án mới cần thực hiện Tiền kiểm toán năng lượng nhằm đảm bảo thiết kế hệ thống năng lượng thích hợp, hiệu quả ngay từ đầu, tránh thiệt hại do phá đi, làm lại hay thay đổi trang thiết bị như một số đơn vị hiện nay.
Để thấy được bức tranh tổng thể về tình hình quản lý và sử dụng năng lượng của Quốc gia cũng như của các khu vực trọng điểm, trên cơ sở đó cung cấp thông tin cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý chức năng những quyết định quản lý vĩ mô, Kiểm toán Nhà nước cần quan tâm đến kiểm toán năng lượng. Trước mắt, Kiểm toán Nhà nước cần phối hợp với các cơ quan đơn vị có chức năng quản lý năng lượng, có đội ngũ nhân lực và phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc kiểm toán năng lượng đã và đang thực hiện kiểm toán năng lượng theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả giai đoạn 2006 – 2015. Khi có đủ điều kiện về nhân sự và trang thiết bị, Kiểm toán Nhà nước cần thực hiện loại kiểm toán này đối với những khách thể của Kiểm toán Nhà nước, từ đó thực hiện tốt chức năng tư vấn cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng cũng như bản thân đơn vị được kiểm toán những giải pháp đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng.
Để thực hiện tốt chức năng tư vấn cho nhà quản trị đơn vị, Kiểm toán nội bộ trong các đơn vị cũng cần quan tâm đến công tác kiểm toán năng lượng, như tư vấn cho lãnh đạo đơn vị có giải pháp phù hợp để thực hiện các kiến nghị của kiểm toán (nếu đơn vị đã được kiểm toán năng lượng); Hoặc đề xuất nhà quản trị tổ chức kiểm toán năng lượng (thuê kiểm toán hoặc thuê chuyên gia để phối hợp kiểm toán năng lượng trong đơn vị...). Trong trường hợp đơn vị chưa đủ điều kiện thực hiện kiểm toán năng lượng thì Kiểm toán nội bộ cần tư vấn cho đơn vị lựa chọn đối tác cần thuê kiểm toán năng lượng. Khi đã có kết quả kiểm toán năng lượng, Kiểm toán nội bộ cần kiểm tra, đánh giá và đưa ra ý kiến kết luận về các giải pháp tiết kiệm năng lượng mà đơn vị dự kiến thực hiện xem có phù hợp, hiệu quả và không gây xáo trộn cho các hoạt động của đơn vị hay không?
Những phân tích trên đây đã chỉ rõ ý nghĩa của kiểm toán năng lượng. Thời gian qua, kiểm toán năng lượng đã bước đầu phát huy được hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn có nhiều điểm hạn chế và bất cập trong kiểm toán năng lượng như: Một bộ phận cán bộ kiểm toán trình độ chưa cao, chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, chưa có khả năng phân tích, đánh giá được các tiềm năng tiết kiệm năng lượng cho đơn vị. Thêm vào đó, tính độc lập của kiểm toán viên chưa được đảm bảo, đặc biệt trong trường hợp các đơn vị tư vấn tiết kiệm năng lượng vừa cung cấp dịch vụ kiểm toán năng lượng vừa cung cấp máy móc, thiết bị tiết kiệm năng lượng, dẫn đến ý kiến tư vấn cho đơn vị được kiểm toán không đảm bảo tính khách quan...
Những hạn chế nêu trên đã dẫn đến công tác kiểm toán ở nhiều đơn vị mới chỉ dừng ở mức thống kê, chưa tận dụng hết cơ hội tiết kiệm năng lượng, thậm chí nhiều giải pháp đưa ra không khả thi,dẫn đến kiểm toán năng lượng còn mang tính hình thức...
Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Quốc hội thông qua sẽ là hành lang pháp lý giúp thúc đẩy hoạt động kiểm toán năng lượng mang tính phổ biến và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để kiểm toán năng lượng đi vào cuộc sống cũng cần có lộ trình và điều kiện để thực hiện vấn đề này. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện thành lập tổ chức kiểm toán và tư vấn đủ mạnh, đồng thời có chính sách đào tạo nguồn nhân lực kiểm toán năng lượng... Ngoài ra cũng cần tích cực tuyên truyền để mọi tổ chức cá nhân đều nhận thức rõ hơn nguy cơ thiếu năng lượng và hiểu được sự cần thiết của kiểm toán năng lượng với vấn đề tiết kiệm năng lượng trong đơn vị. Đặc biệt cần chú ý đảm bảo tính độc lập cần thiết của kiểm toán viên trong kiểm toán năng lượng.
Nguồn tin: sav.gov.vn